Nội dung của Bitcatcha do người đọc hỗ trợ. Khi bạn mua hàng tại các link trên trang web, chúng tôi có thể nhận tiền hoa hồng tiếp thị. Tìm hiểu thêm

Hướng dẫn sử dụng VPN cho ngườI mớI – những câu hỏI không thể bỏ qua

TÁC GIẢ
Timothy Shim
ĐÃ CẬP NHẬT
18 March 2024

 

Chào mừng bạn tham gia khóa nhập môn Virtual Private Network (VPN) 101. Xin giới thiệu ngắn gọn, tôi đã sử dụng VPN trong một thời gian tương đối ngắn, chưa đến một năm. Nhưng trước đó, tôi đã do dự khá lâu.

 

Trong khoảng thời gian hơn hai năm, rất nhiều câu hỏi quanh quẩn trong đầu tôi, một vài câu lại nảy sinh ra những câu khác nữa. Và câu hỏi đầu tiên cần giải đáp ngay từ khi mới bắt đầu là:

 

 

MẠNG RIÊNG ẢO (VPN) LÀ GÌ?

 

VPN kết nối máy PC, Mac, máy tính bảng hay thiết bị khác với Internet thông qua một máy tính khác. Thay vì kết nối trực tiếp, bạn sẽ kết nối thông qua kết nối internet của một máy tính khác. Ngoài ra, VPN cũng mã hóa dữ liệu bạn gửi đi, giúp bảo mật giữ liệu.

 

 

TẠI SAO TÔI CẦN CÓ VPN?

 

VPN giấu vị trí của bạn

 

Ở dạng cơ bản nhất, VPN cung cấp cho người dùng một cách kết nối Internet an toàn và riêng tư. Trước tiên kết nối với dịch vụ VPN, sau đó định tuyến đến địa chỉ Internet mà bạn muốn tới, khi đó chỉ có nhà cung cấp VPN nắm được vị trí của bạn thôi.

 

Hãy xem lợi ích của VPN nhé!

 

  1. Truy cập nội dung
    Hầu hết các VPN có nhiều địa điểm mà bạn có thể chọn để hiển thị vị trí của mình, nhờ đó có thể khắc phục một số hạn chế địa lý trong một vài trường hợp. Một số nhà cung cấp dịch vụ trên internet có hạn chế địa lý một số địa điểm nhất định. Chẳng hạn như Netflix hiển thị các bộ phim khác nhau theo các khu vực địa lý khác nhau.

     

    Và như thế, bạn có thể vượt qua kiểm duyệt nội dung ở nhiều quốc gia, và danh sách này ngày càng dài hơn.

  2. Quyền riêng tư
    Nếu bạn từng cảm thấy chính phủ hay các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) đang rình mò hoạt động trực tuyến của bạn, thì chắc chắn bạn nên dùng VPN. Bạn biết không, ở nhiều nước ISP có thể bán lịch sử duyệt web của bạn cho các bộ phận tiếp thị và quảng cáo. Và nếu chính phủ yêu cầu, các nhà cung cấp phải giao nộp nhật ký hoạt động trực tuyến của người dùng.

 

 

VPN HOẠT ĐỘNG NHƯ THẾ NÀO?

 

How does VPN work

*Đây là một sơ đồ cơ bản mô tả cách dòng dữ liệu di chuyển khi bạn sử dụng VPN. Hình ảnh là của ExpressVPN, nhưng tất các kết nối VPN đơn lẻ cũng hoạt động giống như vậy.

 

Trong một kết nối Internet thông thường, khi bạn truy cập một trang web trên Internet, máy tính của bạn sẽ chuyển yêu cầu thông qua máy chủ của nhà cung cấp, sau đó kết nối bạn với trang web. Trong kết nối VPN, bạn sẽ kết nối trực tiếp với máy chủ VPN, bỏ qua máy chủ của ISP.

 

Chắc bạn từng nghe về tường lửa, VPN hoạt động tương tự như vậy, che chắn và bảo vệ kết nối Internet của bạn bằng các máy chủ riêng và luồng dữ liệu được mã hóa.

 

 

VPN CÓ BẢO MẬT THÔNG TIN CỦA TÔI KHÔNG?

 

Một trong những yếu tố khiến VPN trở nên rất hấp dẫn đó là tính bảo mật. Trong kết nối VPN, tất cả dữ liệu bạn gửi và nhận đều được mã hóa. Vì thế, nếu có người muốn chặn dữ liệu mà bạn đang gửi, mã hóa sẽ bảo mật dữ liệu (hoặc chí ít là an toàn hơn so với dữ liệu truyền đi mà không có mã hóa).

 

Lấy ví dụ tình huống như sau: bạn đang mua sắm trực tuyến và chuẩn bị mua hàng; bạn cần chuyển thông tin thẻ tín dụng của mình đến người bán. Bạn đang ngồi trong một quán cà phê và đang truy cập tài khoản email của mình; bạn cần nhập mật khẩu để máy chủ email xác nhận. Đây chỉ là hai tình huống đơn giản chứng minh VPN có thể giữ an toàn cho bạn và dữ liệu của bạn.

 

 

DÙNG VPN TÔI SẼ THỰC SỰ KHÔNG BỊ THEO DÕI CHỨ?

 

Bản thân địa chỉ IP VPN và lưu lượng được mã hóa chưa đủ để đảm bảo bạn sẽ không bị theo dõi. Thực ra, bạn sẽ khó bị theo dõi hơn, nhưng với những người điêu luyện, họ vẫn có cách.

 

Địa chỉ IP không phải là thứ duy nhất xác định bạn đang online. Trên thực tế, cũng đã có những trường hợp cho thấy VPN làm rò rỉ địa chỉ IP thực tế.

 

Các cách khác để theo dõi bạn bao gồm đánh cắp thông tin, sử dụng phần mềm độc hại, lỗi bất cẩn thông thường và các cách khác.

 

Tôi xin nói rằng mức độ ẩn danh và kín đáo mà bạn muốn (hoặc mức độ lo lắng của bạn) sẽ ảnh hưởng đến sự kết hợp chính xác các dịch vụ bạn sử dụng cùng nhau.

 

Ví dụ, bạn có thể sử dụng VPN kết hợp với một trình duyệt ẩn danh như TOR, cộng với chương trình Internet Security và sự thông minh khi thực hiện hoạt động trực tuyến đặc biệt là lúc chia sẻ thông tin.

 

Vì vậy, câu trả lời ngắn gọn ở đây là không, bạn không hoàn toàn vô hình trên Internet.

 

 

CÁCH VPN BẢO VỆ THÔNG TIN CỦA BẠN

 

1. Mã hóa

 

Khi bạn kết nối với một dịch vụ VPN, tất cả lưu lượng truy cập và trao đổi trên Internet của bạn sẽ đi qua một đường hầm an toàn. Đường hầm đó sẽ giữ cho thông tin của bạn riêng tư và bảo mật.

 

Mỗi VPN sử dụng nhiều giao thức với các mức độ bảo mật khác nhau để thực hiện điều đó. Dưới đây là một vài ví dụ:

 

  • Giao thức bảo mật (IPSec)
    IPSec xác thực phiên truy cập Internet và mã hóa dữ liệu trong khi kết nối. Có hai chế độ, Vận chuyển (Transport) và Đường hầm (Tunneling), giữ cho dữ liệu an toàn khi truyền đi giữa các mạng khác nhau. Có thể kết hợp IPSec với các giao thức bảo mật khác để làm cho phiên truy cập an toàn hơn nữa.
  • Giao thức đường hầm lớp 2 (L2TP)
    L2TP là một trong những giao thức có thể dùng với IPSec. Nó tạo ra một đường hầm giữa hai điểm mà IPSec xử lý mã hóa dữ liệu được truyền giữa chúng.
  • Giao thức tạo đường hầm điểm tới điểm (PPTP)
    PPTP là một giao thức toàn diện vừa tạo ra đường hầm vừa mã hóa dữ liệu. Giao thức này được dùng và hỗ trợ phổ biến, cả trên các hệ thống Mac và Linux.

 

2. Không lưu nhật ký

 

Xin lưu ý rằng không phải tất cả các VPN đều không lưu nhật ký. Nhật ký là tập tin lịch sử ghi lại lịch sử lưu lượng truy cập Internet của bạn. Nếu không lưu nhật ký, chắc chắn nhà cung cấp dịch vụ VPN khó mà bán hoặc chuyển giao nó cho các cơ quan chính phủ hoặc thực thi pháp luật nào, phải không nào?

 

Nếu VPN không có chính sách lưu nhật ký, họ phải thể hiện rõ ràng trên trang web của mình. Chẳng hạn PureVPN, là một trong số nhiều dịch vụ không lưu nhật ký.

 

vpn service without logging

 

 

SỬ DỤNG VPN NHƯ THẾ NÀO?

 

Hầu hết các VPN đều có quy trình riêng, nhưng về cơ bản bạn sẽ cài đặt phần mềm VPN trên một thiết bị (ví dụ router, PC, hoặc điện thoại thông minh). Khi bạn khởi chạy phần mềm, hao tác cấu hình đơn giản như nhập tên tài khoản VPN và mật khẩu vậy, nhưng có một số VPN đưa ra cho bạn nhiều tùy chọn hơn.

 

Các tùy chọn này có thể là chọn giao thức bảo mật bạn muốn sử dụng, hay chọn thủ công vị trí máy chủ bạn muốn kết nối.

 

 

VPN HOẠT ĐỘNG TRÊN CÁC THIẾT BỊ NÀO?

 

VPN thường hoạt động trên 3 loại thiết bị chính (tùy thuộc vào nhà cung cấp dịch vụ): máy tính để bàn/máy tính xách tay, điện thoại thông minh/máy tính bảng và router. Cụ thể, VPN sẽ hoạt động trên các nền tảng Windows, Mac OS, iOS, Android và Linux (hầu hết các bộ định tuyến cài Linux).

 

Xin lưu ý rằng không phải mọi router đều hỗ trợ sử dụng VPN. Nếu bạn đang sử dụng một trong những thương hiệu thông dụng, chất lượng tốt, bạn có thể sử dụng được VPN. Nhưng để cho chắc, hãy hỏi lại nhà sản xuất hoặc đơn giản là tham gia vào một diễn đàn và hỏi. Tôi dùng VPN được với TP-Link Archer C7.

 

expressvpn configuration page

*VPN thường có hướng dẫn cho bạn để định cấu hình trên nhiều thiết bị.

 

Tôi biết là có vài trang web nói rằng bạn cần phải có chương trình cơ sở tùy chỉnh như DD-WRT hay Tomato, nhưng không đúng đâu. Tuy nhiên, nếu router của bạn ban đầu KHÔNG hỗ trợ VPN, hãy đổi sang một trong những bộ có hỗ trợ VPN.

 

Thêm một lưu ý nữa: ngay cả khi bạn sử dụng VPN trên điện thoại di động, cũng có nhiều ứng dụng di động (có thể bạn đã cài đặt rồi) còn chứa nhiều thông tin hơn cả địa chỉ IP của bạn. Bạn có nhớ khi cài đặt những ứng dụng này phải cấp nhiều quyền lằng nhằng phức tạp? Thế thì ngay cả khi đã có VPN, dữ liệu của bạn vẫn có thể được gửi đến các nhà phát triển các ứng dụng đó.

 

 

VPN KHÓ SỬ DỤNG NHƯ THẾ NÀO?

 

Thẳng thắn mà nói thì không hề khó. Hầu như tất cả các nhà cung cấp VPN đều có hướng dẫn mở rộng về cách thiết lập ứng dụng của họ trên nhiều thiết bị. Tôi đã xem khá nhiều hướng dẫn như thế, một số hướng dẫn còn chi tiết đến mức có video quay từng bước thiết lập.

 

Lấy ví dụ Trang hướng dẫn thiết lập của ExpressVPN.

 

expressvpn vpn steup with instructions

 

Hầu hết các nhà cung cấp VPN sẽ có những hướng dẫn cực kỳ chi tiết như thế này. Trên thực tế, một số ứng dụng dễ thiết lập đến mức sau khi cài đặt, bạn chỉ cần nhập tên tài khoản và mật khẩu, sau đó chọn máy chủ và bắt đầu thôi.

 

 

VPN CÓ LÀM CHẬM KẾT NỐI INTERNET CỦA TÔI KHÔNG?

 

Câu trả lời là có thể. Bởi bản chất của dịch vụ này sẽ làm kết nối mạng chậm hơn một chút. Tuy nhiên, với hầu hết các dịch vụ VPN danh tiếng, kết nối mạng bị chậm không đáng kể.

 

Tuy nhiên, nếu ISP của bạn điều chỉnh tốc độ Internet vì lý do nào đó, thì việc sử dụng VPN lại có thể cải thiện tốc độ này cho bạn. Nhiều nhà cung cấp VPN hàng đầu có mạng lưới phù hợp với các nhà cung cấp băng thông cấp 1.

 

Theo nguyên tắc thông thường, bạn chọn máy chủ kết nối càng xa, bạn sẽ càng thấy rõ kết nối của mình chậm hơn.

 

Lưu ý kỹ thuật về tốc độ

 

Phần cứng của bạn đóng vai trò quan trọng trong tốc độ kết nối. Khi VPN mã hóa dữ liệu, quá trình đó cần rất nhiều sức mạnh tính toán. Mỗi thiết bị đều có bộ vi xử lý ở trung tâm, ảnh hưởng đến tốc độ các thao tác của thiết bị. Tốc độ này được đo bằng gigahertz (GHz).

 

GHz càng cao, mã hóa càng nhanh và vì thế tốc độ kết nối cũng càng nhanh.

 

Router trung bình có tốc độ bộ xử lý từ 800MHz đến 1.2GHz (có cả các mẫu cao cấp hơn có tốc độ 1,8 GHz trở lên). Máy tính xách tay trung bình chạy ở mức khoảng 1,6GHz đến 2,2GHz còn máy tính để bàn trung bình chạy trong khoảng từ 2,6 đến 3,4GHz.

 

VPN connection speed

 

Khi chạy dịch vụ VPN trên router có tốc độ 1GHz, tốc độ dòng VPN bị chậm lại đáng kể. Theo ý kiến tôi tham khảo từ bộ phận hỗ trợ kỹ thuật của TorGuard, tốc độ tối đa tôi có thể đạt khi triển khai bộ định tuyến ở đây là khoảng 17Mb /giây. Nếu chạy trên máy tính xách tay 1,8 GHz sẽ cho bạn tốc độ khoảng 150Mb/giây.

 

Vấn đề ở đây là có nhiều yếu tố tác động đến hiệu suất của VPN, vì vậy để hưởng lợi tối đa từ kết nối VPN nhanh, thiết bị của bạn cũng đóng vai trò quan trọng.

 

 

CÁCH CHỌN NHÀ CUNG CẤP VPN PHÙ HỢP

 

vpn providers

 

Có hàng chục nhà cung cấp (hàng trăm nếu tính cả các nhà cung cấp nhỏ hơn) có sẵn các dịch vụ VPN. Một số trong đó là các nhà cung cấp VPN chính thống chuyên về VPN, nhưng cũng có nhiều công ty bảo mật Internet hiện nay như F-Secure, Kaspersky và Avira đã lấn sân vào sân chơi VPN.

 

Vì thế, làm thế nào để chọn được nhà cung cấp phù hợp, bởi bạn có thể sẽ bị bủa vây hàng ngày bởi các lời chào mời mua ‘VPN khuyến mãi’ một khi bạn nhập cụm từ đó để tìm kiếm trên Google. Khi tìm kiếm VPN phù hợp với mình, hãy nắm bắt một vài yếu tố chính sau:

 

1. Chi phí so với an toàn

 

Đây là lúc bạn cần nhận ra chân lý ‘không thể có cùng một lúc mọi thứ’. Chi phí càng nhiều, chất lượng dịch vụ có thể sẽ càng tốt hơn. Mặc dù không phải lúc nào cũng như vậy, nhưng quy tắc thông thường là như thế. Hầu hết các nhà cung cấp VPN có thể tính phí cho bạn một vài đô la mỗi tháng, nhưng nếu bạn coi sự riêng tư và bảo mật của mình là quyền lực tuyệt đối, liệu bạn có sẵn sàng bỏ thêm tiền để đầu óc được giải tỏa hay không? Hãy chọn một giới hạn cân bằng vừa làm bạn yên tâm, vừa đáp ứng các mục tiêu chính của bạn khi đăng ký một dịch vụ VPN.

 

2. Có lưu nhật ký không?

 

Điều này rất quan trọng. Bất kể ngân sách hay mục đích của bạn là gì, nhà cung cấp VPN có lưu nhật ký giống như một chiếc hộp với muôn vàn phức tạp đang chờ khám phá. Và bạn biết sẽ xảy ra chuyện gì khi mở hộp ra không? Chỉ lưu nhật ký thôi cũng đủ rắc rối rồi – các nhà cung cấp dịch vụ đã phải oằn mình dưới áp lực chính phủ nhiều lần trước đây. Hãy chọn một nhà cung cấp nghiêm túc thực hiện chính sách không lưu nhật ký.

 

3. Số lượng và vị trí các máy chủ

 

Yếu tố này áp dụng nhiều cho những người đang sử dụng VPN hàng đầu bị hạn chế về vị trí địa lý. Ví dụ, nếu bạn muốn xem phim trên Netflix tại Mỹ, bạn sẽ cần một server tại Mỹ trên VPN! Nhà cung cấp càng có nhiều máy chủ, bạn càng có nhiều lựa chọn. Số lượng máy chủ của họ càng nhiều, kết nối của bạn sẽ càng mượt mà và nhanh chóng.

 

4. Số lượng kết nối so với nhu cầu

 

Ngày nay, nhiều hộ gia đình đang phát điên vì các thiết bị. Hãy tưởng tượng một cặp vợ chồng, mỗi người có một máy tính xách tay, máy tính bảng và điện thoại thông minh. Cả gia đình có sáu thiết bị. Hãy đảm bảo rằng số lượng kết nối của nhà cung cấp VPN bạn đăng ký phù hợp với nhu cầu của bạn.

 

5. Rò rỉ IP

 

Vấn đề này ngày càng trở nên phổ biến. Rõ ràng là, một số nhà cung cấp VPN có vài vấn đề kỹ thuật nhỏ làm rò rỉ IP thực của các khách hàng, tức là khách hàng đang trả tiền cho một dịch vụ không hiệu quả. Để khắc phục vấn đề này, nhiều VPN cho bạn đăng ký thời gian dùng thử. Hãy đảm bảo kiểm tra để có kết nối tốt trong suốt thời gian dùng thử đó và nếu IP của bạn bị rò rỉ, thì bạn biết phải làm gì rồi đấy – CHẠY THÔI.

 

6. Giao diện người dùng

 

Tôi đã tranh luận có nên thêm mục này vào hay không, nhưng cuối cùng, tôi đã đầu hàng trước hội chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Một số VPN có giao diện kém đến nỗi để mà sử dụng thì thật KINH KHỦNG. Hãy nhớ xem qua một chút trước khi đổ cả đống tiền vào gói cước ba năm có giảm giá nhé!

 

 

LÀM SAO ĐỂ BIẾT VPN TÔI DÙNG CÓ TỐT HAY KHÔNG?

 

Tất nhiên các dịch vụ VPN dựa trên việc bán quyền riêng tư và bảo mật của họ. Vậy làm sao để biết nếu dịch vụ bạn đã chọn đang hoạt động như được quảng cáo? IP của bạn có được bảo mật không? Còn những rò rỉ bạn đã từng nghe đến thì sao?

 

Những lo ngại này đôi khi là một điều tôi gọi là ‘tính năng hỏng” của một số nhà cung cấp VPN. Tức là họ không hoạt động như quảng cáo, và danh tính của bạn có thể gặp rủi ro.

 

Những bước kiểm tra đơn giản dưới đây sẽ giúp ích cho bạn.

 

  • Truy cập IPLeak và đọc những thông tin liên quan tới bạn. Nếu VPN của bạn hoạt động bình thường, bạn sẽ thấy thông tin server VPN thay vì thông tin thực sự của bạn. Hoặc nếu không, bạn có thể truy cập DNSLeakTest cũng tương tự như vậy.
  • Để kiểm tra tốc độ VPN, truy cập SpeedTest hoặc TestmyNet và chạy kiểm tra trên đó. Bạn có thể chạy kiểm tra trước và sau khi kết nối với server VPN để kiểm tra chênh lệch tốc độ và độ trễ.

 

test vpn speed

*SpeedTest sẽ cho bạn biết tốc độ tải lên và tải về, cũng như độ trễ của máy chủ gần nhất.

 

Tất nhiên bạn có thể thực hiện những kiểm tra cao cấp hơn, nhưng cũng cần đưa thêm những thông tin chi tiết hơn.

 

Kể cả khi bạn thấy hài lòng với dịch vụ VPN đang sử dụng, bạn vẫn nên thường xuyên chạy kiểm tra, chỉ để bạn luôn cảm thấy an tâm.

 

 

VPN CÓ HỢP PHÁP KHÔNG?

 

Một số người có thể thấy câu hỏi này kì lạ, vì trên thị trường có rất nhiều nhà cung cấp VPN, nhưng xin nhớ rằng chẳng có một chính phủ nào kiểm soát Internet cả. Tuy nhiên, bạn bị hạn chế bởi luật pháp của quốc gia bạn cư trú, vì vậy hãy đảm bảo rằng dịch vụ VPN hoàn toàn hợp pháp tại quốc gia đó khi bạn mua đăng ký.

 

Trước khi bạn định cười cợt, tôi xin nói cho bạn biết có một số quốc gia rất gay gắt với dịch vụ này. Lấy ví dụ như Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Nếu bị bắt quả tang sử dụng dịch vụ VPN ở UAE bạn có thể phải nộp phạt một số tiền khổng lồ từ 100 nghìn đến 500 nghìn đô la Mỹ.

 

Chẳng có gì ngạc nhiên, Trung Quốc gần đây đã thông qua quy định chỉ cho phép sử dụng các dịch vụ VPN được chính phủ phê duyệt. Cứ cho rằng quy định này nhằm “điều chỉnh các VPN đang thực hiện các hoạt động bất hợp pháp xuyên biên giới”, nhưng ai cũng biết, nó chỉ là phần mở rộng khác của Bức tường lửa vĩ đại của Trung Quốc.

 

Và cuối cùng – Nếu bạn nghĩ đến việc sử dụng VPN chỉ để vượt qua kiểm duyệt tường lửa tại nơi làm việc hoặc ở trường – bạn có thể bị đuổi việc hoặc bị trục xuất (tùy thuộc vào vị trí công việc bạn đang đảm nhận). Bạn hiểu rồi chứ?

 

 

TẠI SAO VPN KHÔNG HỢP PHÁP Ở MỘT SỐ NƠI?

 

Cũng còn tùy, nhưng đa phần các nước cấm VPN có xu hướng muốn kiểm soát chặt chẽ hơn đời sống của người dân. Nếu cấm VPN, họ có thể dễ dàng kiểm soát hoạt động trực tuyến của người dân hơn.

 

Đây là một số lý do chính;

 

  • Lý do đạo đức (ví dụ Singapore)
  • Ổn định chính trị (ví dụ Jordan, Libya)
  • An ninh quốc gia (ví dụ Ấn Độ, Nga)
  • Tất cả các lý do trên (ví dụ Bắc Triều Tiên, Trung Quốc)

 

 

DỊCH VỤ VPN CỦA TÔI CÓ THỂ BỊ KHÓA KHÔNG?

 

Một số quốc gia kiểm duyệt Internet rất khắt khe thậm chí còn làm tới mức chặn các dịch vụ VPN. Dù họ không thể giải mã dữ liệu, nhưng việc chặn VPN ở các quốc gia đó đồng nghĩa với chặn truy cập VPN thành công bằng cách dừng truy cập vào các cổng thường được sử dụng bởi các giao thức VPN phổ biến.

 

Lấy ví dụ, Bức tường lửa vĩ đại của Trung Quốc là một phần nhỏ trong các phương thức của quốc gia này nhằm duy trì an ninh công cộng bằng cách giám sát chặt chẽ các hệ thống thông tin.

 

 

TÔI CÓ THỂ CHẠY TORRENT VỚI VPN KHÔNG?

 

Chia sẻ tập tin ngang hàng hay Torrenting không hề bất hợp pháp nhưng không được tán thành bởi chẳng ai nắm được trạng thái của những tập tin ấy. Ví dụ, việc chia sẻ một số tập tin video nhất định có thể vi phạm Đạo luật bảo vệ bản quyền kỹ thuật số. Một số phần mềm có bản quyền đã có các bản sao bất hợp pháp lưu hành thông qua Torrent.

 

Tuy nhiên, torrent cũng tiêu thụ băng thông cao, do đó, có một số nhà cung cấp VPN hoặc không cho phép torrent trên dịch vụ của họ hoặc hạn chế băng thông cho các tình huống đó.

 

Nếu bạn đang tìm kiếm một dịch vụ VPN cho phép torrent, hãy đảm bảo rằng trang web của họ đề cập rõ ràng đến vấn đề này.

 

Đây là một số VPN cho phép torrent:

 

 

 

BỘ NGẮT LÀ GÌ?

 

Đa phần mọi người dùng VPN để đảm bảo quyền riêng tư rất quan trọng của mình. Đó là lý do tại sao nhiều dịch vụ VPN giới thiệu khái niệm bộ ngắt (kill switch). Tính năng này giúp ngắt kết nối của bạn ngay lập tức nếu dịch vụ của bạn đến máy chủ VPN bị gián đoạn vì bất kỳ lý do gì.

 

Đồng thời nó giúp IP thực của bạn không bị lộ khi dịch vụ VPN không khả dụng.

 

Tất nhiên, nếu bạn muốn duy trì kết nối, thay vì ngắt đi, nhiều khi bạn chỉ có thể chọn tắt tính năng ngắt.

 

 

VPN CÓ ẢNH HƯỞNG CHƠI GAME TRỰC TUYẾN KHÔNG?

 

Các game thủ thường rất thận trọng khi đưa thêm yếu tố mới nào vào mạng của họ bởi vì họ rất sợ khi thêm vào có thể làm tăng độ trễ. Độ trễ là một sát thủ với các trò chơi trực tuyến và cá nhân tôi đã chứng kiến các game thủ hét ầm ĩ vào màn hình khi thấy thời gian ping dài bất thường.

 

Một số game thủ đã nghiêm túc nghiên cứu VPN, vì họ băn khoăn tại sao thêm một lớp nữa giữa họ và máy chủ trò chơi lại có thể giảm độ trễ. Hãy nhớ rằng, bạn có thể chọn server mình muốn kết nối trên VPN.

 

Khi kết nối với vị trí server gần máy chủ chơi game nhất, có thể thời gian ping được cải thiện.

 

Bên cạnh đó, nhiều vị trí server nghĩa là bạn sẽ có thể kết nối với các máy chủ tại các quốc gia/khu vực mà thông thường bạn bị hạn chế.

 

 

TÔI CÓ THỂ SỬ DỤNG VPN MIỄN PHÍ KHÔNG?

 

Trên thực tế, có khá nhiều dịch vụ VPN miễn phí, một số trong đó do các công ty mạnh về bảo mật Internet như Kaspersky điều hành. Tuy nhiên, cũng có vài vấn đề kỹ thuật nhỏ khi dùng các dịch vụ miễn phí này.

 

  1. Nhiều VPN miễn phí cung cấp băng thông giới hạn
  2. Các vị trí và/hoặc server có sẵn thường giới hạn
  3. Bảo mật dữ liệu còn đáng nghi
  4. Chất lượng dịch vụ còn đáng nghi
  5. Thường có những hạn chế tại chỗ

 

Lưu ý:

Các nhà cung cấp dịch vụ bao giờ cũng phải kiếm doanh thu Ở Đ U ĐÓ, và những công ty này đang xử lý dữ liệu của bạn đấy.

 

 

MỘT DỊCH VỤ VPN CÓ MỨC PHÍ BAO NHIÊU?

 

Nếu không tính các nhà cung cấp dịch vụ VPN miễn phí, bạn sẽ trả cho dịch vụ bất kỳ trong khoảng từ 2 đến 10 đô la một tháng, tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Tính năng của các gói cước và thời gian thanh toán thường quyết định mức phí. Thường thì chọn trả trước thời gian càng dài, giá sẽ càng thấp.

 

Lấy ví dụ như NordVPN, có mức phí tính theo thời gian bạn chọn. Mức phí trả theo tháng là 280.168 đồng, nhưng trả theo năm thì giảm xuống 134.574 đồng một tháng. Nếu chọn gói cước 3 năm thì mức phí giảm xuống chỉ còn 64.474 đồng mỗi tháng, thật tuyệt!

 

nordvpn price

 

Hãy cân nhắc lợi ích của việc gắn liền với dịch vụ trong hai hoặc ba năm so với mức tiết kiệm mà bạn kiếm được so với thanh toán hàng tháng. Chính xác thì điểm cân bằng lợi ích sẽ phụ thuộc vào sở thích cá nhân của mọi người.

 

 

TÔI CÓ THỂ THANH TOÁN NẾU KHÔNG CÓ THẺ TÍN DỤNG KHÔNG?

 

Thẻ tín dụng làm cho cuộc sống kỹ thuật số của chúng ta thật dễ dàng, bởi chúng là phương tiện chuyển tiền thành toán thành công cho các nhà cung cấp. Tuy nhiên, khi nói đến các dịch vụ VPN, có vẻ hơi lạ khi trả tiền cho một người ẩn danh bằng một phương thức mà chắc chắn phải nhận dạng chính mình.

 

Rất may, một số nhà cung cấp dịch vụ đã bắt đầu chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin hoặc tiền điện tử khác. Muốn biết nhà cung cấp dịch vụ mà bạn sử dụng có chấp nhận Bitcoin không, hãy kiểm tra ký hiệu Bitcoin trên trang các phương thức thanh toán được chấp nhận trên trang web của VPN.

 

multiple payment options

 

Tất nhiên, nếu bạn chọn phương thức thanh toán bằng Bitcoin, sẽ không có gia hạn tự động và bạn sẽ phải thực hiện thanh toán mỗi lần gia hạn dịch vụ.

 

 

KẾT LUẬN: TÔI CÓ NÊN SỬ DỤNG VPN KHÔNG?

 

Thế giới kỹ thuật số ngày nay đầy rẫy hiểm nguy. Từ chính phủ rình mò đến tin tặc và lừa đảo, việc giấu kín hoạt động kỹ thuật số của bạn phải là một quy tắc và không nên đắn đo tính toán. Đặc biệt là với các mạng công cộng – chẳng hạn như băng tần GSM hoặc LTE.

 

Tôi xin chia sẻ với bạn một tình huống rất đơn giản về trải nghiệm cá nhân tôi đã trải qua trước khi mua dịch vụ VPN. Tôi đang ngồi tại một quán cà phê với cô gái trẻ này sau một sự kiện và chúng tôi bàn luận về an toàn trực tuyến. Cô ấy làm tôi ngạc nhiên khi nói rằng cô ấy đã sử dụng VPN cả trên điện thoại di động, nên tôi đã hỏi cô ấy liệu bảo mật của cô ấy có gặp rủi ro hay không.

 

Cô ấy cho tôi xem ứng dụng trên điện thoại, hiển thị nhật ký của hơn 30 lần nghe lén chỉ trong ngày hôm đó và giải thích rằng con số tăng hay giảm tùy thuộc vào địa điểm cô ấy đến. Và giờ thì tôi cảm thấy hết sức đáng sợ.

 

Nếu bạn đang cân nhắc hay không việc thêm VPN vào danh sách các công cụ bảo mật, tôi khuyên bạn làm luôn đi. Vụ tấn công Krack gần đây đã cho chúng ta thấy ngày nay dịch vụ VPN rất cần thiết. Hãy giữ cho mình an toàn để không phải hối tiếc gì cả.